Tại một phiên điều trần Thượng viện gần đây, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem đã gặp khó khăn khi được hỏi về định nghĩa của quyền ‘habeas corpus’ – một quyền hiến định cơ bản ở Hoa Kỳ.
Khi Thượng nghị sĩ Maggie Hassan (Đảng Dân chủ, New Hampshire) yêu cầu bà Noem giải thích ‘habeas corpus’ là gì, Bộ trưởng đã trả lời: “Habeas corpus là quyền hiến định mà Tổng Thống có để trục xuất người khỏi đất nước này.”
Thượng nghị sĩ Hassan đã ngay lập tức phản bác, khẳng định định nghĩa đó là sai. Bà giải thích rằng habeas corpus là nguyên tắc pháp lý yêu cầu chính phủ phải đưa ra lý do công khai cho việc bắt giữ hoặc bỏ tù ai đó. Nếu không có quyền này, chính phủ có thể tùy tiện bắt giữ và giam giữ người dân, kể cả công dân Mỹ, vô thời hạn mà không cần lý do. Bà nhấn mạnh đây là một quyền nền tảng.
Sau đó, bà Noem nói rằng bà “ủng hộ habeas corpus” nhưng cũng “thừa nhận rằng Tổng Thống Hoa Kỳ có thẩm quyền theo Hiến pháp để quyết định xem có nên tạm dừng quyền này hay không.”
Trước đó, cố vấn Tòa Bạch Ốc Stephen Miller từng nói với phóng viên rằng chính quyền đang “tích cực xem xét” việc đình chỉ habeas corpus để đẩy nhanh quá trình trục xuất những người nhập cảnh trái phép. Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với các quy trình tố tụng, cho rằng chúng làm chậm kế hoạch trục xuất hàng loạt. Tổng Thống Trump từng viện dẫn Đạo luật Kẻ thù Nước ngoài thời chiến để cố gắng vượt qua các biện pháp bảo vệ này đối với các thành viên băng đảng bị cáo buộc, nhưng các tòa án, bao gồm cả Tối cao Pháp viện, đều phán quyết rằng những người này vẫn có quyền được hưởng quy trình tố tụng công bằng (due process).
Thượng nghị sĩ Andy Kim (Đảng Dân chủ, New Jersey) sau đó hỏi bà Noem điều khoản đình chỉ habeas corpus nằm ở điều khoản nào của Hiến pháp, bà trả lời “Tôi không biết”. Ông Kim cho biết nó nằm ở Điều Một, quy định quyền lực của Quốc hội, không phải Tổng Thống. Ông cũng hỏi bà Noem có hiểu rằng việc đình chỉ habeas corpus đòi hỏi một đạo luật của Quốc hội hay không.
Bộ trưởng Noem sau đó viện dẫn trường hợp Tổng thống Abraham Lincoln từng thực hiện quyền này trong Nội chiến, sau đó được Quốc hội phê chuẩn hồi tố. Bà tin rằng nếu một tổng thống trong quá khứ có thể làm được điều đó, “thì tổng thống đương nhiệm của chúng ta cũng nên được quyền xem xét.”
Bà Noem khẳng định Tổng Thống Trump “chưa bao giờ nói rằng ông ấy sẽ làm điều này” hay “thông báo cho tôi hoặc chính quyền của ông ấy rằng họ sẽ xem xét đình chỉ habeas corpus”. Tuy nhiên, bà vẫn tin rằng “Hiến pháp cho phép họ có quyền xem xét.”
Việc một quan chức cấp cao không nắm vững định nghĩa và cơ sở pháp lý của một quyền hiến định quan trọng như habeas corpus trong bối cảnh tranh luận về chính sách nhập cư và thẩm quyền Tổng Thống đã gây chú ý tại phiên điều trần, theo tường thuật của NBC News ngày 20/05/2025.