Cuộc biểu tình kéo dài 9 ngày ở Mông Cổ kêu gọi Thủ tướng Oyun-Erdene Luvsannamsrai từ chức đang làm rung chuyển chính trường nước này, đe dọa sự tồn vong của chính phủ liên minh mới 10 tháng tuổi.
Sự việc bùng phát sau các báo cáo về lối sống xa hoa của con trai Thủ tướng. Đối với những người biểu tình, phần lớn là giới trẻ, đây là giọt nước tràn ly cho những bức xúc âm ỉ về tình trạng tham nhũng trong giới quan chức và gia đình họ.
Bà Ariunbileg Oyunbilegt, 45 tuổi, một bà mẹ ba con, cho biết bà tham gia biểu tình ngay từ đầu vì “ghê tởm” trước những màn khoe của của giới thân cận, đặc biệt là con trai Thủ tướng. Bà nói: “Những lời hứa chống tham nhũng của Thủ tướng chỉ là giả dối và trống rỗng”.
Một người biểu tình khác, Purevnamgil Batsaikhan, 26 tuổi, cũng bức xúc vì tình trạng tham nhũng trong tầng lớp cầm quyền và cho rằng hệ thống chính trị cần thay đổi để ngăn chặn sai phạm. Anh nói: “Thủ tướng đã tại vị 4 năm, nhưng không có gì thay đổi”. Anh nhấn mạnh người biểu tình chủ yếu là thanh niên và không liên kết với đảng phái chính trị nào.
Căng thẳng chính trị leo thang khi ba đảng trong liên minh cầm quyền đang họp để xem xét lại thỏa thuận hợp tác. Một ngày trước đó, đảng lớn nhất – Đảng Nhân dân Mông Cổ – đã quyết định khai trừ đảng lớn thứ hai là Đảng Dân chủ ra khỏi liên minh.
Đảng Nhân dân Mông Cổ cáo buộc Đảng Dân chủ vi phạm thỏa thuận sau khi một số nghị sĩ trẻ tuổi của đảng này công khai ủng hộ lời kêu gọi Thủ tướng từ chức.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ Gantumur Luvsannyam, người đang giữ chức Phó Thủ tướng, cho biết quan điểm của các nghị sĩ đó không phải là lập trường chính thức của đảng. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ ký bất cứ điều gì nói rằng tôi sẽ bịt miệng các thành viên của mình. Tôi biết tính cách của đảng tôi”.
Số phận của Thủ tướng Oyun-Erdene, người đã giữ chức vụ này 4 năm và từng vượt qua các lời kêu gọi từ chức trước đây, vẫn chưa rõ ràng trước phiên họp quốc hội dự kiến diễn ra vào thứ Sáu.
Mông Cổ là một quốc gia giàu tài nguyên, có 3,5 triệu dân – một nửa sống ở thủ đô – nằm giữa Trung Quốc và Nga. Từng là quốc gia cộng sản thời Chiến tranh Lạnh, Mông Cổ đã chuyển đổi thành nền dân chủ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Người biểu tình cho rằng sự giàu có từ khoáng sản của đất nước chỉ mang lại lợi ích cho các nhóm lợi ích kinh doanh và giới nhà giàu, trong khi nhiều người dân Mông Cổ vẫn sống trong cảnh nghèo đói.
Chính phủ liên minh được thành lập sau thất bại bầu cử hồi tháng 6 năm ngoái của Đảng Nhân dân Mông Cổ, khiến họ chỉ còn 68 ghế trong quốc hội 126 thành viên. Đảng Dân chủ nắm giữ 42 ghế và đảng thành viên thứ ba trong liên minh, đảng HUN, có 8 ghế.
Theo tin từ ABC News ngày 22/05/2025.