Bầu Giáo hoàng mới: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Theo ABC News, sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, quy trình bầu chọn Giáo hoàng mới sẽ diễn ra theo các nghi thức và lễ nghi đã được chuẩn hóa, bắt đầu từ thời kỳ trống ngôi Giáo hoàng (interregnum) và kết thúc khi người kế nhiệm được bầu. Thời gian Giáo hoàng vị bỏ trống được gọi là “sede vacante” trong tiếng Latin, có nghĩa là “ngai tòa trống”.

Đầu tiên, Hồng y Nhiếp chính (cardinal camerlengo), người điều hành các công việc thường ngày của thành quốc Vatican trong thời gian sede vacante, sẽ chính thức xác nhận Giáo hoàng đã qua đời. Sau đó, một thời gian chín ngày để tang theo truyền thống sẽ bắt đầu. Trong thời gian này, tang lễ của Giáo hoàng sẽ được tổ chức trong vòng 4-6 ngày sau khi qua đời, sau khi thi hài của ngài được quàn tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong vài ngày. Điều này cũng tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia trên toàn thế giới đến viếng và tham dự tang lễ.

Cũng trong thời gian trống ngôi Giáo hoàng, tất cả các hồng y dưới 80 tuổi đủ điều kiện tham gia sẽ được triệu tập về Rome để chuẩn bị cho mật nghị kín bên trong Nhà nguyện Sistine để chọn Giáo hoàng kế vị. Cuộc họp này thường bắt đầu từ 15 đến 20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời. Các hồng y sẽ ở trong các phòng riêng tại Domus Marthae Sanctae – một khách sạn trong Vatican, nơi thường dành cho các giáo sĩ và giáo dân đến thăm. Theo truyền thống, các hồng y sẽ bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài, bao gồm tivi, điện thoại, máy tính và báo chí.

Hội đồng Hồng y sẽ bỏ phiếu tối đa bốn lần một ngày để bầu Giáo hoàng tiếp theo, với yêu cầu đạt được đa số hai phần ba để bầu thành công. Sau mỗi lần bỏ phiếu, các phiếu bầu sẽ bị đốt và khói sẽ được thải ra từ ống khói của Nhà nguyện Sistine để báo hiệu cho đám đông đang tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô. Khói đen (fumata nera trong tiếng Ý) cho biết một cuộc bỏ phiếu không có kết quả, trong khi khói trắng (fumata bianca) sẽ báo hiệu rằng một Giáo hoàng mới đã được bầu.

Khi Hội đồng Hồng y bầu được một Giáo hoàng mới, ứng viên sẽ chính thức được hỏi trong Nhà nguyện Sistine liệu ngài có chấp nhận việc bầu cử hay không và nếu có, sẽ chọn tên Giáo hoàng của mình. Mặc dù các Giáo hoàng có quyền giữ lại tên rửa tội của mình, nhưng mọi Giáo hoàng trong 470 năm qua đều chọn thay đổi tên, thường là để tôn vinh một người tiền nhiệm và báo hiệu ý định noi theo tấm gương của ngài.

Thời kỳ trống ngôi Giáo hoàng kết thúc khi Giáo hoàng mới đắc cử xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng trong vai trò mới của mình, bước lên ban công trung tâm tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô, để ban phước cho đám đông tụ tập ở đó sau khi được giới thiệu bởi vị hồng y trưởng phó tế với tuyên bố truyền thống “Habemus papum” – tiếng Latin có nghĩa là “Chúng ta có một Giáo hoàng”.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU

Đức Giáo hoàng Francis


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú