Theo ABC News:
Tình hình tự do báo chí tại Belarus đang ngày càng tồi tệ dưới sự cai trị của Tổng thống độc tài Alexander Lukashenko. Hàng chục nhà báo độc lập đã bị tống giam trong những năm gần đây, đối mặt với điều kiện khắc nghiệt trong tù.
Nhà báo Ksenia Lutskina, người từng bị kết án 8 năm tù vì cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ, đã được ân xá chỉ sau nửa thời gian thụ án. Lý do là bà bị ngất xỉu liên tục trong phòng giam do khối u não được chẩn đoán khi đang bị tạm giam. Hiện bà đã sang Lithuania sinh sống và chia sẻ rằng nghề báo ở Belarus thực sự trở thành một nghề nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các nhà hoạt động và cựu tù nhân, các nhà báo bị giam giữ ở Belarus thường xuyên bị đánh đập, thiếu chăm sóc y tế và bị cắt đứt liên lạc với luật sư, người thân. Điều kiện nhà tù được mô tả là giống thời Liên Xô cũ.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders) nhận định Belarus là quốc gia giam giữ nhà báo nhiều nhất châu Âu. Hiệp hội Nhà báo Belarus cho biết, ít nhất 40 nhà báo đang phải thụ án tù dài hạn.
Làn sóng trấn áp mạnh mẽ bắt đầu sau cuộc bầu cử năm 2020, bị nhiều người lên án là gian lận, khiến ông Lukashenko tiếp tục nắm quyền. Hơn 65.000 người đã bị bắt giữ từ năm 2020 đến 2025. Hàng nghìn người tố cáo bị cảnh sát đánh đập, các nhân vật đối lập bị bỏ tù hoặc buộc phải lưu vong, và hàng trăm nghìn người khác phải chạy trốn ra nước ngoài vì sợ hãi.
Hơn 1.200 người đang bị giam giữ ở Belarus được các nhóm nhân quyền công nhận là tù nhân chính trị, trong đó có người sáng lập nhóm nhân quyền hàng đầu Viasna và là người đoạt giải Nobel Hòa bình, Ales Bialiatski.
Các nhà báo độc lập cũng không thoát khỏi vòng vây. Nhiều tòa soạn bị đóng cửa hoặc bị coi là bất hợp pháp. Tổng thống Lukashenko thường xuyên gọi họ là “kẻ thù của nhà nước” và tuyên bố những người đã bỏ trốn sẽ không được phép quay về.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Belarus, Andrei Bastunets, cho biết các cuộc đột kích, bắt giữ và lạm dụng nhà báo diễn ra không ngừng trong 5 năm qua, và giờ đây đã đạt đến mức “phi lý”, khi cả gia đình của các nhà báo cũng bị đe dọa. Nhiều gia đình đã yêu cầu các nhóm nhân quyền không công khai trường hợp của họ vì sợ bị trả thù nặng hơn.
Ngay cả những nhà báo chuyển sang đưa tin về các nội dung phi chính trị cũng bị ảnh hưởng. Tháng 12 vừa qua, toàn bộ ban biên tập của tờ báo địa phương nổi tiếng Intex-press đã bị bắt giữ và bị buộc tội “hỗ trợ hoạt động cực đoan”.
Cáo buộc “cực đoan” là tội danh phổ biến nhất được sử dụng để bắt giữ, phạt tiền và bỏ tù những công dân có tư tưởng phản biện. Ngay cả việc đọc các phương tiện truyền thông độc lập bị tuyên bố là cực đoan cũng có thể dẫn đến việc bị bắt giữ ngắn hạn. Làm việc hoặc đăng ký theo dõi các phương tiện truyền thông bị cấm bị coi là “hỗ trợ cực đoan”, có thể bị phạt tới 7 năm tù. Các trang web của các cơ quan này đều bị chặn.
Theo Phóng viên Không Biên giới, 397 nhà báo Belarus đã là nạn nhân của các vụ bắt giữ mà nhóm này cho là bất công kể từ năm 2020, một số người bị giam giữ nhiều lần. Ít nhất 600 người đã chuyển ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả khi ở nước ngoài, nhiều người vẫn đối mặt với áp lực từ chính quyền, bao gồm việc mở các vụ án vắng mặt, đưa vào danh sách truy nã quốc tế, tịch thu tài sản ở Belarus và nhắm mục tiêu vào người thân.
Tháng 1 vừa qua, Phóng viên Không Biên giới đã đệ đơn kiện lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), cáo buộc chính quyền Belarus phạm “tội ác chống lại loài người”, bao gồm tra tấn, đánh đập, bỏ tù, đàn áp và cưỡng bức di dời các nhà báo.
Nhà báo Katsiaryna Bakhvalava, làm việc cho kênh truyền hình độc lập Ba Lan-Belarus Belsat, bị bắt khi đưa tin về các cuộc biểu tình năm 2020. Ban đầu bị kết án 2 năm vì gây rối trật tự công cộng, sau đó bà bị đưa ra xét xử về tội phản quốc khi đang ở trong trại giam và bị kết án, với bản án kéo dài lên 8 năm 3 tháng. Chồng bà, nhà phân tích chính trị Ihar Iliyash, cũng bị bắt vào tháng 10/2024 với cáo buộc “làm mất uy tín Belarus” và đang bị giam chờ xét xử. Bakhvalava, 31 tuổi, đã nhiều lần bị biệt giam và theo lời một cựu tù nhân, bà từng bị 4 quản giáo đánh đập vào năm 2022.
Andrzej Poczobut, phóng viên của tờ báo Ba Lan có ảnh hưởng Gazeta Wyborcza và là nhân vật nổi bật trong Liên minh người Ba Lan ở Belarus, bị kết án 8 năm tù vì tội “gây tổn hại an ninh quốc gia Belarus”. Ông đang thụ án tại trại giam Novopolotsk. Poczobut, 52 tuổi, mắc bệnh tim nặng và đã nhiều lần bị biệt giam, đôi khi kéo dài tới 6 tháng, theo các nhà hoạt động nhân quyền. Cuối tháng 3, thời gian ông ở trong khu biệt giam trừng phạt – hình thức giam giữ khắc nghiệt nhất – đã được gia hạn thêm 6 tháng. Các nỗ lực can thiệp từ Warsaw đã thất bại, và Poczobut từ chối xin ân xá từ Lukashenko.
Một trường hợp khác là Maryna Zolatava, biên tập viên của Tut.By – từng là trang tin tức trực tuyến phổ biến nhất ở Belarus nhưng đã bị chính quyền đóng cửa vào năm 2021. Zolatava bị kết án 12 năm tù vào năm 2023 vì tội kích động và phát tán tài liệu kêu gọi hành động gây tổn hại an ninh quốc gia.
Ông Lukashenko đã kéo dài thời gian cầm quyền sang nhiệm kỳ thứ bảy trong cuộc bầu cử tháng 1 vừa qua, mà phe đối lập gọi là một trò hề. Tuy nhiên, kể từ tháng 7, ông đã ân xá cho hơn 250 người, được cho là nhằm cải thiện quan hệ với phương Tây.
Nhà phân tích Belarus Valery Karbalevich nhận định ông Lukashenko “coi tù nhân chính trị như một món hàng. Ông ta sẵn sàng bán các nhà báo và nhà hoạt động cho châu Âu và Hoa Kỳ để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế và làm ấm lại quan hệ. Và quá trình này đã bắt đầu”.
Ngay sau khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Lukashenko đã trả tự do cho hai công dân Hoa Kỳ và một nhà báo của đài Radio Free Europe/Radio Liberty, một cơ quan truyền thông do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Hai nhà báo khác của RFE/RL, Ihar Losik và Ihar Karnei, vẫn bị giam giữ và đã bị buộc phải quay video sám hối.
Nhà báo Andrey Kuznechyk, người được trả tự do sau ba năm ngồi tù, đã rời Belarus sang Lithuania. Ông chia sẻ rằng ngày đầu tiên sau khi ra tù, ông đã sốc khi nhìn danh sách các nhà báo đang bị giam giữ và thấy nó đã tăng lên đáng kể trong thời gian ông ở tù.
Ksenia Lutskina, nhà báo cũng đã sang Lithuania, đưa theo cậu con trai 14 tuổi của mình, nói rằng cậu bé “phải học cách phân biệt sự thật và dối trá”. Cả hai đã đọc cuốn tiểu thuyết phản địa đàng “1984” của George Orwell, cuốn sách bị cấm ở Belarus, và tìm thấy “những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên” với quê hương của họ.
Bà nói: “Belarus đã biến thành một đất nước xám xịt dưới bầu trời xám xịt, nơi mọi người sợ hãi mọi thứ và nói chuyện thì thầm”. Lutskina, người đang điều trị khối u gây ra các cơn ngất xỉu, cho biết bà thực sự cảm thấy ít sợ hãi trong tù hơn những người đồng hương Belarus bên ngoài. Họ đi lại với đầu cúi gằm, “sợ ngẩng mắt lên và nhìn thấy cơn ác mộng đang diễn ra xung quanh”, bà nói thêm.