Theo BBC News, Liên minh châu Âu (EU) vừa yêu cầu Apple và Meta nộp phạt tổng cộng 700 triệu euro (tương đương 599 triệu bảng Anh) vì vi phạm luật cạnh tranh. Đây là những án phạt đầu tiên theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU, nhằm hạn chế quyền lực của các “ông lớn” công nghệ.
Cụ thể, Apple bị phạt 500 triệu euro (428 triệu bảng) liên quan đến App Store, còn Meta chịu mức phạt 200 triệu euro (171 triệu bảng) do hạn chế quyền lựa chọn của người dùng trong việc đồng ý cho phép thu thập dữ liệu.
Ủy viên Henna Virkkunen nhấn mạnh: “Chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ quyền của người dân và các doanh nghiệp sáng tạo ở châu Âu”.
Phản ứng lại, cả hai công ty đều tỏ ra bất bình. Meta cáo buộc EU “cố gắng gây khó dễ cho các doanh nghiệp Mỹ thành công”, còn Apple cho rằng họ bị “nhắm mục tiêu không công bằng” và buộc phải “cho không công nghệ của mình”.
Mức phạt này tuy thấp hơn so với một số án phạt trước đây của EU, nhưng vẫn có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng kinh tế với Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang áp thuế 10% lên hàng nhập khẩu từ EU.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của EU, Arianna Podesta khẳng định đây là hai vấn đề “hoàn toàn tách biệt”, và nhấn mạnh: “Đây là về thực thi luật, không phải đàm phán thương mại”.
Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi động cả hai cuộc điều tra từ năm ngoái theo DMA, nhằm thúc đẩy sự công bằng trong lĩnh vực công nghệ. Vụ việc của Apple liên quan đến việc hãng này không cho phép các chợ ứng dụng khác được tự do tiếp cận người dùng và nhà phát triển ứng dụng. Trong khi đó, Meta bị phạt vì mô hình “đồng ý hoặc trả tiền” (consent or pay), buộc người dùng phải lựa chọn giữa cho phép Meta kết hợp dữ liệu thu thập từ Facebook và Instagram, hoặc trả phí thuê bao hàng tháng.
EC cho rằng mô hình này không cho phép người dùng tự do đồng ý với cách dữ liệu của họ được sử dụng. Hiện EC đang đánh giá một tùy chọn khác mà Meta đưa ra vào tháng 11, được cho là “sử dụng ít dữ liệu cá nhân hơn để hiển thị quảng cáo”.
Cả Apple và Meta đều có 60 ngày để tuân thủ các quy định, nếu không sẽ phải đối mặt với các án phạt tiếp theo.
Ủy viên Teresa Ribera cho biết: “Apple và Meta đã không tuân thủ DMA khi thực hiện các biện pháp củng cố sự phụ thuộc của người dùng doanh nghiệp và người tiêu dùng vào nền tảng của họ”.
Apple cho rằng EC đã đưa ra “một loạt các quyết định gây bất lợi cho quyền riêng tư và bảo mật của người dùng, gây hại cho sản phẩm và buộc chúng tôi phải cho không công nghệ của mình”.
Meta thì cho rằng phán quyết này đồng nghĩa với việc các công ty Trung Quốc và châu Âu được phép hoạt động theo các tiêu chuẩn khác so với các doanh nghiệp Mỹ.
Theo Meta, việc EC buộc họ thay đổi mô hình kinh doanh chẳng khác nào áp một khoản thuế hàng tỷ đô la lên công ty, đồng thời yêu cầu họ cung cấp một dịch vụ kém chất lượng hơn.
Tim Sweeney, Giám đốc điều hành của Epic Games, nhà sản xuất Fortnite, hoan nghênh phán quyết chống lại Apple, gọi đây là “tin tuyệt vời cho các nhà phát triển ứng dụng trên toàn thế giới”.
Trong khi đó, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, được tài trợ một phần bởi các công ty công nghệ lớn như Apple và Meta, lại phản đối quyết định này. Tổ chức này cho rằng EC đang “lợi dụng DMA để thu lợi từ các công ty Mỹ, ngay cả khi họ tiếp tục nỗ lực tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của đạo luật này”.
Vương quốc Anh cũng đang điều tra các công ty công nghệ lớn về hành vi độc quyền, sau khi ban hành luật cạnh tranh kỹ thuật số vào năm ngoái, tập trung vào các công ty có thị phần lớn.