Một cuộc khảo sát mới đây đã chỉ ra một thực tế đáng chú ý về thị trường lao động tại Mỹ: cứ 4 người nộp đơn xin việc thì có 1 người thừa nhận đã nói dối, thổi phồng hoặc cung cấp thông tin không chính xác trong hồ sơ của mình. Đáng chú ý, thế hệ Z (Gen Z) là nhóm dẫn đầu xu hướng này.
Theo khảo sát từ nền tảng dịch vụ nghề nghiệp career.io, gần một nửa (khoảng 47%) những người thuộc thế hệ Gen Z thừa nhận đã làm sai lệch một số chi tiết trong đơn xin việc để trông phù hợp hơn với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tỷ lệ này ở các thế hệ khác thấp hơn đáng kể: 38.5% với Millennials, 20.4% với Gen X và chỉ 9.4% với Baby Boomers.
Dữ liệu khảo sát cho thấy, Gen Z thường nói dối nhiều nhất ở các mục “kinh nghiệm làm việc” (22.97%) và “trách nhiệm công việc” (28.38%), tiếp theo là “chức danh công việc” (17.57%). Con số phần trăm cao cho thấy một số người tham gia khảo sát đã nói dối ở nhiều mục khác nhau trên đơn xin việc.
Chia sẻ với Fox News Digital, Chuyên gia Huấn luyện Nghề nghiệp Chuyên nghiệp (CPCC) Amanda Augustine nhận định, lý do chính đằng sau những lời nói dối này là do các ứng viên trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm và cảm thấy tuyệt vọng trong việc tạo ấn tượng ban đầu để “lọt vào mắt xanh” nhà tuyển dụng, ít nhất là để có được buổi phỏng vấn.
Bà Augustine cho biết, nhiều người trẻ nghĩ rằng họ sẽ làm tốt công việc nếu có cơ hội, ngay cả khi hồ sơ chưa “đẹp”. Sự thiếu kinh nghiệm của thế hệ trẻ, những người chưa từng phải đối mặt với thị trường lao động khắc nghiệt, đang thúc đẩy họ dùng đến những “lời nói dối trắng” hoặc thậm chí là nói dối trắng trợn trên đơn xin việc.
Nói dối trong hồ sơ xin việc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Đã có những trường hợp nổi tiếng bị mất việc vì làm sai lệch thông tin học vấn hoặc kinh nghiệm.
Thay vì nói dối, chuyên gia khuyên những người trẻ tuổi có ít kinh nghiệm nên tập trung vào việc liệt kê và làm nổi bật các kỹ năng mềm như khả năng hợp tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề – những kỹ năng rất cần thiết trong mọi ngành nghề hiện nay. Bên cạnh đó, việc cung cấp ví dụ cụ thể về cách bạn đã sử dụng các kỹ năng đó hoặc trau dồi thêm kiến thức qua các khóa học online cũng rất quan trọng.
Một lời khuyên đắt giá khác là tận dụng mạng lưới quan hệ (networking). Chuyên gia nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế và thị trường việc làm hiện tại, networking là chìa khóa không thể thiếu, dù bạn mới ra trường hay đã có kinh nghiệm dày dặn. Kết nối với bạn bè, thầy cô, người hướng dẫn, đồng nghiệp cũ qua LinkedIn và duy trì mối quan hệ này sẽ mang lại lợi thế lớn trong quá trình tìm việc, theo nguồn tin từ Fox News.