Gây tranh cãi việc Bảo tàng Lịch sử Người Mỹ gốc Phi tháo dỡ hiện vật

Việc một số hiện vật quan trọng liên quan đến lịch sử chế độ nô lệ và phong trào dân quyền đang bị loại bỏ khỏi các trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa Người Mỹ gốc Phi Quốc gia ở Washington, D.C. đang gây ra nhiều tranh cãi và lo ngại.

Tin tức từ NBC News ngày 17/5/2025 cho biết, linh mục Robert Turner, quản nhiệm Nhà thờ Empowerment Temple AME, đã đi bộ 43 dặm từ Baltimore đến bảo tàng để phản đối. Ông tin rằng đây là nỗ lực nhằm xóa bỏ một phần lịch sử quan trọng của nước Mỹ, đồng thời liên hệ việc này với lời kêu gọi bồi thường cho người da đen vì hậu quả của chế độ nô lệ.

Cuộc tranh cãi nổ ra sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp vào cuối tháng 3, trong đó yêu cầu bảo tàng loại bỏ bất kỳ trưng bày nào được cho là “chia rẽ người Mỹ dựa trên chủng tộc”. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc hiện nói rằng họ không can dự vào bất kỳ thay đổi nào tại bảo tàng, trong khi bảo tàng khẳng định việc luân chuyển hiện vật là theo các thỏa thuận cho mượn tiêu chuẩn hoặc thực hành bảo tàng thông thường và không liên quan đến sắc lệnh.

NBC News đã tìm thấy ít nhất 32 hiện vật từng được trưng bày đã bị dỡ bỏ, bao gồm cuốn sách thánh ca của Harriet Tubman (người dẫn đường cho nô lệ bỏ trốn), một tấm vải do nô lệ dệt, ảnh nhóm hip-hop Public Enemy, và hồi ký “Narrative of the Life of Frederick Douglass” của một lãnh đạo phong trào bãi nô nổi tiếng.

Những người cho mượn hiện vật cũng bày tỏ sự nghi ngờ. Bà Liz Brazelton, người cho mượn cuốn nhật ký liên quan đến bộ phim đoạt giải Oscar “12 Years a Slave”, nhận được thông báo trả lại nhật ký sớm hơn dự kiến, chỉ hai tuần trước khi Tổng Thống Trump ký sắc lệnh. Bà lo ngại việc tháo dỡ này có thể liên quan đến nội dung về chế độ nô lệ của hiện vật.

Linh mục Amos C. Brown, một lãnh đạo dân quyền kỳ cựu, cũng nhận được yêu cầu trả lại cuốn Kinh Thánh hơn 100 năm tuổi của cha mình và một cuốn sách lịch sử người da đen mà ông đã cho bảo tàng mượn từ năm 2016. Dù bảo tàng gọi đây là “thực hành tiêu chuẩn” khi thời hạn cho mượn kết thúc, linh mục Brown cho rằng đây chỉ là cái cớ và cảm thấy “vô nhân đạo, thiếu tôn trọng và bất công”. Sau phản ứng công khai, bảo tàng đã đề nghị giữ lại các hiện vật của ông vĩnh viễn.

Vụ việc đang ngày càng trở nên chính trị hóa. Các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện đã gửi thư và đưa ra dự luật để bảo vệ các di tích dân quyền quốc gia và bày tỏ lo ngại về nỗ lực được cho là nhằm “xóa bỏ lịch sử người da đen”.

Linh mục Turner tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình hàng tháng để nâng cao nhận thức về việc các hiện vật bị dỡ bỏ và tiếp tục đòi bồi thường cho người da đen trên khắp nước Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Câu chuyện của chúng ta không thể chết, bất kể ai đang ở Tòa Bạch Ốc.”


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú