Theo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS), ông Robert F. Kennedy Jr., chính sách mới về giá thuốc kê đơn của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump không chỉ là một thay đổi chính sách đơn thuần, mà là một cuộc cách mạng nhằm giúp người dân Mỹ có thể tiếp cận thuốc với giá phải chăng hơn.
Vấn đề cốt lõi là: người Mỹ hiện đang phải trả giá thuốc cao hơn rất nhiều so với người dân ở các quốc gia giàu có khác, cho cùng một loại thuốc, sản xuất tại cùng một nhà máy. Chẳng hạn, một loại thuốc GLP-1 có giá 88 đô la ở London nhưng lại lên tới 1,000 đô la tại Hoa Kỳ. Ngay cả sau khi được hãng dược giảm giá cho các công ty bảo hiểm, người Mỹ vẫn phải trả hơn 400 đô la.
Điều đáng nói hơn là các công ty dược phẩm toàn cầu lại kiếm tới 70% lợi nhuận từ thị trường Mỹ, dù dân số Mỹ chỉ chiếm khoảng 4% dân số thế giới. Ông Kennedy Jr. nhấn mạnh, tình trạng “ăn ké” toàn cầu dựa trên túi tiền bệnh nhân Mỹ phải chấm dứt ngay bây giờ.
Tổng Thống Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp mạnh mẽ, áp dụng nguyên tắc “quốc gia được ưa đãi nhất” (most favored nations) vào giá thuốc. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không trả giá thuốc cao hơn mức mà các quốc gia giàu có khác phải trả. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cùng với Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid (CMS) có thẩm quyền pháp lý để thực hiện cam kết này của Tổng Thống Trump: các nước phát triển khác phải trả nhiều hơn, để người Mỹ có thể trả ít hơn, đồng thời vẫn duy trì sự phát triển và sáng tạo trong ngành dược.
Người dân Mỹ xứng đáng được tiếp cận cả những liệu pháp đột phá và các loại thuốc với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, theo Kaiser Family Foundation, gần một phần ba bệnh nhân Mỹ phải bỏ qua các loại thuốc được kê đơn vì không đủ khả năng chi trả. Đây là một thực tế không thể chấp nhận được tại quốc gia giàu nhất thế giới.
Mặc dù việc phòng ngừa bệnh tật thông qua lối sống lành mạnh là chiến lược tốt nhất để giảm phụ thuộc vào thuốc, nhưng một số phương pháp điều trị vẫn luôn cần thiết. Ngành dược phẩm đã mang lại những tiến bộ đáng kinh ngạc trong điều trị ung thư và các bệnh tự miễn, mang lại lợi ích cho bệnh nhân trên toàn cầu.
Hoa Kỳ trân trọng sự đổi mới, nhưng không thể tiếp tục tài trợ vô thời hạn cho tiến bộ y tế toàn cầu trong khi các quốc gia giàu có khác đóng góp quá ít. Cách tiếp cận đàm phán của Tổng Thống Trump đã chứng minh hiệu quả với NATO, nơi các nước châu Âu đã tăng cường đầu tư sau khi được yêu cầu có trách nhiệm hơn. Nguyên tắc tương tự sẽ được áp dụng cho giá thuốc.
Bộ trưởng Kennedy Jr. và Tổng Thống Trump kiên định quan điểm: tình trạng các nước khác “ăn ké” trên lưng bệnh nhân Mỹ phải chấm dứt.
CMS, dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Mehmet Oz (người mới nhậm chức Quản trị viên), sẽ không chỉ cải cách cách thức chi trả mà còn điều chỉnh lại cơ bản các ưu đãi trong hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Sáng kiến này sẽ bảo vệ mạng lưới an sinh cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đồng thời giải quyết áp lực tài chính đối với các tiểu bang và các chương trình liên bang – đặc biệt là Medicaid, chương trình đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng người tham gia và chi phí.
Theo nguồn tin từ Fox News ngày 17/05/2025, những tháng tới sẽ là thời điểm quyết định để đạt được mục tiêu của Tổng Thống Trump về một nước Mỹ khỏe mạnh hơn – nơi sự đổi mới được thúc đẩy và bệnh nhân không còn phải gánh chịu phần lớn gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe toàn cầu một cách không công bằng.