Một thẩm phán liên bang tại Texas vừa ra phán quyết bác bỏ hướng dẫn của một cơ quan chính phủ về việc bảo vệ nhân viên khỏi bị quấy rối tại nơi làm việc dựa trên bản dạng giới và khuynh hướng tình dục.
Thẩm phán Matthew J. Kacsmaryk thuộc Tòa án Quận Liên bang Bắc Texas cho rằng Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng Hoa Kỳ (EEOC) đã vượt quá thẩm quyền khi ban hành hướng dẫn. Hướng dẫn này xem việc cố tình dùng sai đại từ nhân xưng của nhân viên, từ chối cho họ sử dụng nhà vệ sinh phù hợp với bản dạng giới, hoặc cấm mặc trang phục tuân thủ quy định công ty theo bản dạng giới là những hình thức quấy rối nơi làm việc.
Thẩm phán Kacsmaryk nhận định hướng dẫn này “không phù hợp với nội dung, lịch sử và truyền thống của Điều VII (Title VII)” cũng như các phán quyết gần đây của Tối cao Pháp viện. Điều VII của Đạo luật Dân quyền năm 1964 bảo vệ người lao động và người xin việc khỏi bị phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính và nguồn gốc quốc gia.
EEOC, cơ quan thực thi luật chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc, đã cập nhật hướng dẫn về quấy rối nơi làm việc vào tháng 4 năm ngoái dưới thời Tổng thống Joe Biden, lần đầu tiên sau 25 năm. Động thái này dựa trên phán quyết năm 2020 của Tối cao Pháp viện rằng người đồng tính, song tính và chuyển giới được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử trong việc làm.
Tiểu bang Texas và Tổ chức Heritage Foundation, một think tank bảo thủ, đã thách thức hướng dẫn này vào tháng 8. EEOC cho biết đây chỉ là công cụ giúp người sử dụng lao động đánh giá việc tuân thủ luật và không có hiệu lực pháp lý bắt buộc. Tuy nhiên, Thẩm phán Kacsmaryk không đồng ý, cho rằng hướng dẫn này tạo ra “các tiêu chuẩn bắt buộc… mà từ đó sẽ phát sinh hậu quả pháp lý nếu người sử dụng lao động không tuân thủ”.
Phán quyết này là một đòn giáng mới vào các biện pháp bảo vệ người lao động chuyển giới, đặc biệt sau sắc lệnh hành pháp ngày 20/1 của Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính phủ chỉ công nhận hai giới tính “bất biến” – nam và nữ. Thẩm phán Kacsmaryk, người được Tổng thống Trump đề cử năm 2017, đã vô hiệu hóa tất cả các phần của hướng dẫn EEOC định nghĩa “giới tính” bao gồm “khuynh hướng tình dục” và “bản dạng giới”, cùng toàn bộ một phần liên quan đến vấn đề này.
Ông viết trong phán quyết rằng “Điều VII không yêu cầu người sử dụng lao động hay tòa án làm ngơ trước sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ”.
Chủ tịch Heritage Foundation, Kevin Roberts, hoan nghênh phán quyết, gọi đây là “chiến thắng về văn hóa”. Ông nói phán quyết cho thấy “bạn không cần phải từ bỏ lẽ thường trước bàn thờ của ý thức hệ cánh tả. Bạn không cần giả vờ đàn ông là phụ nữ. Và bạn không cần nói dối để giữ việc làm.”
Ngược lại, Trung tâm Luật Phụ nữ Quốc gia (National Women’s Law Center), đơn vị ủng hộ hướng dẫn bị bác bỏ, chỉ trích phán quyết là “thái quá” và “mâu thuẫn trắng trợn với tiền lệ của Tối cao Pháp viện”. Đại diện trung tâm cho rằng phán quyết này “không làm thay đổi luật, nhưng sẽ khiến người lao động LGBTQIA+ khó khăn hơn trong việc thực thi quyền của họ và có một nơi làm việc không bị quấy rối.”
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và EEOC từ chối bình luận về kết quả vụ kiện.
Theo thông tin từ trang web của EEOC, trong năm tài khóa 2024, cơ quan này đã nhận được hơn 3,000 đơn tố cáo phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục hoặc bản dạng giới, và con số tương tự trong năm 2023.
(Theo tin từ The Associated Press ngày 16/05/2025)