Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa vừa có chuyến thăm Serbia và bày tỏ sự không hài lòng về việc Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Nga tuần trước. Tuy nhiên, ông Costa cho biết đã nhận được cam kết từ lãnh đạo Serbia rằng nước này vẫn sẽ tiếp tục con đường gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Ông Costa, người đang bắt đầu chuyến công du tới sáu quốc gia Tây Balkan đang hy vọng gia nhập EU, chia sẻ tại Belgrade rằng “rất nhiều người đã khuyên tôi không nên đến” Serbia. Nhưng ông quyết định đến để “làm rõ” chuyến đi Moscow của Tổng thống Vucic.
Theo ông Costa, Tổng thống Vucic giải thích chuyến đi đó là để “kỷ niệm một sự kiện trong quá khứ”. Ông Costa thừa nhận “chúng ta không thể viết lại lịch sử và hoàn toàn hiểu rằng Serbia kỷ niệm sự giải phóng” bởi quân đội Liên Xô 80 năm trước. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, “chúng ta không thể kỷ niệm sự giải phóng 80 năm trước mà lại không lên án một cuộc xâm lược nước khác ngày hôm nay”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói thêm: “Giờ đây, chúng ta có thể tái khẳng định, và điều quan trọng là nghe từ ông ấy (Vucic) công khai tái khẳng định, rằng ông ấy hoàn toàn cam kết với Liên minh châu Âu và con đường gia nhập”.
Tổng thống Vucic, một chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy bị chỉ trích cả trong và ngoài nước về phong cách lãnh đạo ngày càng độc đoán, vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Trung Quốc, trong khi chính thức tuyên bố Serbia muốn gia nhập EU. Ông Vucic cho biết quyết định tham dự lễ duyệt binh của Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh dấu chiến thắng Thế chiến II trước Đức Quốc xã là một phần nỗ lực duy trì “tình hữu nghị truyền thống” – Nga là một quốc gia Slav và Chính thống giáo anh em – trong khi vẫn tìm cách vào EU.
Serbia, quốc gia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng từ Nga, đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga về cuộc xâm lược toàn diện Ukraine và chưa ủng hộ hầu hết các tuyên bố của EU lên án hành động gây hấn này. Thay vào đó, Belgrade chỉ ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc chỉ trích cuộc tấn công của Nga.
Ông Costa cảnh báo rằng “việc lên án rõ ràng cuộc xâm lược tàn bạo của Nga vào Ukraine” là một yếu tố then chốt trong chính sách an ninh và đối ngoại của EU, và Serbia phải hoàn toàn tuân thủ để có thể gia nhập khối.
Tổng thống Vucic cho biết ông dự kiến sẽ có “phản ứng và công kích” về chuyến đi Moscow tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu sắp tới ở Albania. Ông cam kết Serbia sẽ sớm thông qua các luật về truyền thông và chống tham nhũng cần thiết để tiến tới trong quá trình gia nhập.
Theo tin từ hãng thông tấn AP, Tổng thống Vucic khẳng định Serbia “nhìn nhận bản thân hiện tại và trong tương lai là trên con đường EU và là một thành viên của Liên minh châu Âu”.
Tổng thống Vucic cũng đang chịu áp lực trong nước sau sáu tháng diễn ra các cuộc biểu tình lớn chống tham nhũng, bùng phát sau thảm kịch tai nạn tàu hỏa ở miền bắc Serbia khiến 16 người thiệt mạng. Nhiều người dân đổ lỗi cho nạn tham nhũng trong xây dựng hạ tầng.
Một nhóm sinh viên đại học Serbia – lực lượng nòng cốt đằng sau các cuộc biểu tình – đã đến Brussels tuần này sau khi chạy marathon kiểu tiếp sức tại đó để thu hút sự chú ý của EU về cuộc đấu tranh đòi công lý và pháp quyền mà họ cho rằng đã bị phá bỏ dưới sự cai trị chặt chẽ của ông Vucic.
Ông Costa sau đó cũng gặp gỡ các chính trị gia đối lập của Serbia. Họ cho biết đã thông báo cho ông về sự đàn áp của chính phủ và yêu cầu EU ủng hộ rõ ràng cho những công dân biểu tình. Nữ chính trị gia Marinika Tepic nói rằng cuộc gặp của ông Costa với ông Vucic có thể bị xem là sự ủng hộ của EU dành cho ông.
Từ Belgrade, ông Costa sẽ tiếp tục chuyến đi tới Bosnia-Herzegovina, nơi các chính sách ly khai của tổng thống thực thể do người Serb điều hành đã làm sống lại căng thẳng sắc tộc sau cuộc chiến 1992-95 và cản trở các cải cách hướng tới EU.
Montenegro và Albania đang đi đầu trong con đường gia nhập, trong khi Serbia, Bosnia, Kosovo và Bắc Macedonia đang tụt lại phía sau. Sự sẵn lòng chấp nhận các thành viên mới của EU đã tăng lên kể từ khi cuộc chiến toàn diện ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, do lo ngại xung đột có thể gây bất ổn ở khu vực Balkan vốn đã bất ổn.