Ủy ban Bầu cử Bangladesh vừa hủy đăng ký hoạt động của đảng Awami League, đảng từng cầm quyền dưới thời cựu Thủ tướng Sheikh Hasina. Quyết định này đồng nghĩa với việc đảng Awami League sẽ không được phép tham gia cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, dự kiến diễn ra trước tháng 6 năm sau.
Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi chính phủ lâm thời do người đoạt giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus đứng đầu ban hành thông báo chính thức cấm đảng Awami League và các tổ chức liên quan hoạt động, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến.
Thông báo từ Bộ Nội vụ được đưa ra hai ngày sau khi Nội các lâm thời quyết định cấm mọi hoạt động của đảng này theo Luật Chống khủng bố, chờ kết quả xét xử của một tòa án đặc biệt đối với đảng và các lãnh đạo của họ. Chính phủ cho biết lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và bao gồm mọi hình thức xuất bản, truyền thông, hoạt động trực tuyến, mạng xã hội, cũng như các chiến dịch, tuần hành, mít tinh hay hội nghị.
Song song đó, Ủy ban Bầu cử cũng xác nhận sẽ không cho phép đảng của bà Hasina tranh cử trong cuộc bầu cử tới. Theo quy định, các đảng chính trị phải được đăng ký với Ủy ban Bầu cử mới đủ điều kiện tham gia.
Một cố vấn chính phủ hôm thứ Hai cho biết bất kỳ ai đăng bình luận trực tuyến ủng hộ đảng Awami League đều có thể bị bắt giữ.
Trước đó, hôm Chủ nhật, đảng Awami League đã lên tiếng chỉ trích chính phủ lâm thời, cáo buộc họ “gây chia rẽ” và “chà đạp lên các chuẩn mực dân chủ” bằng cách cấm hoạt động của đảng. Họ cho rằng lệnh cấm này “gây chia rẽ xã hội, bóp nghẹt các chuẩn mực dân chủ, thúc đẩy các cuộc đàn áp đang diễn ra đối với những người bất đồng chính kiến và bóp nghẹt sự hòa nhập, tất cả đều là các bước đi phi dân chủ”.
Awami League là một trong hai đảng lớn tại Bangladesh, quốc gia có nền dân chủ nghị viện đầy biến động với lịch sử bạo lực gồm các cuộc đảo chính và ám sát chính trị.
Bà Hasina, con gái của lãnh tụ độc lập Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman, đã rời khỏi đất nước vào ngày 5 tháng 8 năm ngoái và đang sống lưu vong tại Ấn Độ cùng nhiều đồng nghiệp cấp cao và cựu bộ trưởng, nghị sĩ. Họ bị cáo buộc giết hại người biểu tình trong cuộc nổi dậy chống lại 15 năm cầm quyền của bà vào tháng 7-8 năm ngoái.
Theo một báo cáo của Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 2, có tới 1.400 người có thể đã thiệt mạng trong ba tuần biểu tình chống bà Hasina. Tuy nhiên, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã khuyến nghị trong báo cáo “kiềm chế cấm các đảng chính trị vì điều đó sẽ làm suy yếu sự trở lại của một nền dân chủ đa đảng thực sự và tước quyền bầu cử của một bộ phận lớn cử tri Bangladesh”.
Đảng Awami League, từng lãnh đạo cuộc chiến tranh kéo dài chín tháng chống lại Pakistan để giành độc lập vào năm 1971, đang chịu áp lực nặng nề kể từ khi bà Hasina bị lật đổ. Người biểu tình đã tấn công và đốt phá nhiều văn phòng của đảng, bao gồm cả trụ sở chính tại Dhaka. Đảng này cáo buộc chính phủ lâm thời bảo trợ các đám đông tấn công nhà cửa và cơ sở kinh doanh của các nhà hoạt động và lãnh đạo của họ. Họ cho biết hàng ngàn người ủng hộ đã bị bắt giữ trên khắp đất nước và nhiều người đã thiệt mạng.
Ông Yunus cho biết cuộc bầu cử tiếp theo có thể sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm nay hoặc tháng 6 năm sau, theo nguồn tin ABC News ngày 13/05/2025.