Trung Quốc tăng cường hợp tác với Mỹ Latinh, đối phó chiến tranh thương mại của Trump

Trung Quốc đang nỗ lực củng cố liên minh với các quốc gia khác nhằm đối trọng với cuộc chiến thương mại của Tổng Thống Donald Trump. Tại một sự kiện ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã thể hiện một mặt trận thống nhất với các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh.

Bắc Kinh đang định vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như một đối tác thương mại và phát triển đáng tin cậy, trái ngược với sự bất ổn và khó đoán từ các chính sách tăng thuế quan của Tổng Thống Trump.

Trước đó, sau các cuộc đàm phán cuối tuần tại Geneva, Thụy Sĩ, Bắc Kinh và Washington đã đạt được bước đột phá về thuế quan, đồng ý tạm dừng tăng thuế trong 90 ngày để tạo điều kiện cho đàm phán tiếp theo.

Trong bối cảnh đã giảm bớt căng thẳng với Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẵn sàng “bắt tay” với các nước Mỹ Latinh “trước những dòng chảy ngầm của đối đầu chính trị, chia rẽ khối và làn sóng đơn phương, bảo hộ mậu dịch đang dâng cao”. Ông Tập nhấn mạnh lại quan điểm Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra khi nói về chính sách của Tổng Thống Trump: “Không có người thắng trong chiến tranh thuế quan hay chiến tranh thương mại”.

Phát biểu tại Diễn đàn Trung Quốc-CELAC (Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Caribe) được tổ chức từ năm 2015, với sự tham dự của các quan chức cấp cao, trong đó có tổng thống Brazil, Chile và Colombia, ông Tập Cận Bình đã công bố 5 chương trình hợp tác tập trung vào trao đổi chính trị, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, học thuật và an ninh toàn cầu nhằm thắt chặt quan hệ.

Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu từ khu vực này và khuyến khích các công ty Trung Quốc tăng đầu tư. Bắc Kinh cũng công bố một khoản tín dụng mới trị giá 66 tỷ nhân dân tệ (khoảng 9.2 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính cho các nước Mỹ Latinh và Caribe.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có kế hoạch mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng sạch, viễn thông 5G, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và an ninh toàn cầu. Theo tin từ AP, thương mại giữa Trung Quốc và khu vực này đã tăng trưởng nhanh chóng, lần đầu tiên vượt 500 tỷ USD vào năm ngoái, chủ yếu nhờ Trung Quốc tăng nhập khẩu nông sản (như đậu nành, thịt bò), năng lượng (dầu thô, quặng sắt) và khoáng sản quan trọng.

Các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào khu vực thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) bao gồm xây dựng mạng 5G, cảng biển và nhà máy thủy điện. Tổng thống Colombia Gustavo Petro mới đây đã thông báo nước này sẽ chính thức gia nhập BRI, thể hiện sự tin tưởng dù một số dự án Trung Quốc tại Mỹ Latinh gần đây gặp trục trặc.

Chẳng hạn, vào tháng 2, Panama trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên rút khỏi BRI dưới áp lực từ Mỹ. Đầu tháng này, nhà sản xuất xe điện BYD và công ty thép không gỉ Tsingshan của Trung Quốc cũng tuyên bố từ bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy cathode lithium ở Chile do giá lithium giảm.

Trong các cam kết khác, Bắc Kinh dự kiến mời 300 thành viên từ các đảng chính trị Mỹ Latinh sang thăm Trung Quốc hàng năm trong ba năm tới, cấp 3,500 suất học bổng chính phủ và nhiều loại hình trao đổi khác. Ông Tập cho biết 5 quốc gia Mỹ Latinh sẽ được miễn thị thực khi đến Trung Quốc, và sẽ có thêm các nước khác trong tương lai.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú