Sức hấp dẫn của nền giáo dục đại học Mỹ đối với sinh viên quốc tế đang phải đối mặt với những thử thách đáng kể dưới thời Tổng Thống Donald Trump.
Chính quyền Tổng Thống Trump đã tăng cường siết chặt việc cấp visa du học và có những động thái nhằm trục xuất sinh viên nước ngoài tham gia vào các hoạt động chính trị, đặc biệt là các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine.
Điều này khiến nhiều sinh viên quốc tế cảm thấy bất an và lo lắng về tương lai của mình tại Mỹ.
Ma Tianyu, một sinh viên khoa học máy tính từ Trung Quốc, là một ví dụ. Dù được nhận vào một số trường đại học hàng đầu của Mỹ và nhận thấy Mỹ là nơi tốt nhất cho ngành game development mà cậu theo đuổi, Tianyu vẫn không khỏi băn khoăn sau khi chứng kiến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cảnh báo từ Bộ Giáo dục Trung Quốc và đặc biệt là việc nhiều sinh viên quốc tế bị hủy bỏ tình trạng pháp lý hoặc visa.
Tuy nhiên, Tianyu vẫn quyết định sang Mỹ, sẵn sàng “thích ứng với bất kỳ thay đổi nào có thể xảy ra”.
Các trường đại học Mỹ từ lâu đã là điểm đến mơ ước của sinh viên toàn cầu nhờ các chương trình đào tạo hàng đầu và cơ hội việc làm rộng mở sau tốt nghiệp, đặc biệt qua chương trình OPT (Optional Practical Training) cho phép sinh viên ở lại làm việc tới 3 năm.
Thế nhưng, các chuyên gia trong ngành giáo dục quốc tế bày tỏ lo ngại. Ông Clay Harmon, giám đốc điều hành AIRC, nhận định: “Tất cả các hoạt động của chính quyền Tổng Thống Trump đều đang gửi đi một thông điệp rằng sinh viên quốc tế không được chào đón tại Mỹ.”
Sự sụt giảm số lượng sinh viên quốc tế, hiện khoảng 1.1 triệu người, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách của các trường đại học, vốn phụ thuộc nhiều vào học phí của nhóm sinh viên này.
Bà Fanta Aw, giám đốc điều hành NAFSA, nhấn mạnh rằng sinh viên và gia đình họ cần sự chắc chắn, trong khi môi trường hiện tại lại quá bất ổn.
Trong khi Mỹ đang hồi phục sau đợt sụt giảm tuyển sinh quốc tế do COVID-19, các đối thủ như Canada, Úc, Anh cũng đang nỗ lực thu hút nhân tài. Canada thậm chí còn hy vọng tận dụng tình hình này để thu hút thêm sinh viên.
Dù vậy, Mỹ vẫn giữ lợi thế nhờ quy mô và sự đa dạng của thị trường lao động. Bà Lindsey López từ ApplyBoard cho rằng: “Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới… sự rộng lớn và đa dạng kinh tế với đủ loại ngành nghề giúp Mỹ vẫn hấp dẫn.”
Một số trường như Đại học William Paterson ở New Jersey vẫn kỳ vọng tăng trưởng sinh viên quốc tế, tập trung vào các ngành STEM để tận dụng chương trình OPT. Sinh viên từ Ấn Độ vẫn đang nhận được lịch hẹn visa.
Tuy nhiên, tại Thượng Hải, ông Austin Ward, giáo viên một trường trung học dạy theo chương trình Mỹ, cho biết học sinh của ông rất lo lắng khi nghe tin về việc sinh viên bị hủy visa. Dù chưa ai thay đổi ý định, ông Ward đã viết thư cho dân biểu Mỹ để bày tỏ sự cần thiết phải bảo vệ sinh viên quốc tế.
Ông Ward chia sẻ, học sinh của ông sang Mỹ để “mở rộng tầm nhìn”, không phải để đe dọa đất nước này. Nếu sinh viên cứ phải lo lắng và bị mất visa, Mỹ sẽ mất đi vị thế là trung tâm học thuật hàng đầu thế giới.
Theo tin từ ABC News.