Cuộc bầu cử giữa kỳ tại Philippines vào Thứ Hai tới (13/05) đang thu hút sự chú ý lớn, không chỉ vì số lượng ghế cần tranh cử (khoảng 18,000 vị trí quốc gia và địa phương) mà còn bởi sự xuất hiện của những ứng viên đặc biệt.
Đáng nói nhất là cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Dù đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) giam giữ tại The Hague, cách xa hàng nghìn cây số, ông vẫn nằm trong danh sách tranh cử chức thị trưởng thành phố Davao, nơi được coi là “thành trì” chính trị của ông.
Theo luật pháp Philippines, một ứng viên đang đối mặt với cáo buộc hình sự, kể cả khi bị giam giữ, vẫn có quyền ra tranh cử trừ khi họ đã bị kết án và hết mọi đường kháng cáo. Ông Duterte được dự đoán sẽ thắng cử dễ dàng ở Davao, vị trí ông từng giữ hơn hai thập kỷ trước khi lên làm tổng thống. Tuy nhiên, việc ông sẽ điều hành thành phố ra sao từ sau song sắt vẫn là một câu hỏi lớn.
Cuộc bầu cử lần này được các nhà phân tích đánh giá là cực kỳ quan trọng, bởi nó sẽ định đoạt liệu gia đình Duterte có tiếp tục duy trì quyền lực chính trị hay không. Tâm điểm là cuộc đua vào Thượng viện, nơi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của con gái ông, đương kim Phó Tổng thống Sara Duterte.
Bà Sara Duterte đang đối mặt với phiên tòa luận tội tại Thượng viện dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới. Các cáo buộc bao gồm âm mưu ám sát Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và sử dụng sai mục đích quỹ tình báo của văn phòng bà. Bà Sara đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc này, cho rằng đó là chiêu trò của đối thủ chính trị nhằm hạ bệ bà.
Bà Sara Duterte được xem là ứng viên tiềm năng cho cuộc đua tổng thống năm 2028. Nhưng nếu bị Thượng viện kết tội, bà sẽ mất chức Phó Tổng thống và bị cấm giữ các chức vụ công. Để được trắng án, bà cần ít nhất 9 trong số 24 thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ.
Một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines nhận định cuộc bầu cử giữa kỳ 2025 sẽ “đặt nền móng” cho những gì xảy ra tiếp theo, quyết định gia đình hay phe phái nào sẽ chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử năm 2028. Nếu bà Sara bị kết tội, điều đó có thể báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên gia đình Duterte nắm giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước.
Không chỉ ông Rodrigo và bà Sara, nhiều thành viên khác trong gia đình Duterte cũng ra tranh cử lần này. Con trai út của ông Rodrigo, Sebastian, hiện là thị trưởng Davao, đang tranh cử chức phó thị trưởng. Con trai cả Paolo đang tìm cách tái đắc cử vào Hạ viện. Hai người cháu của ông Rodrigo cũng đang tranh cử ở cấp địa phương.
Sự kiện luận tội bà Sara và việc ông Rodrigo Duterte bị chuyển đến ICC diễn ra sau khi mối quan hệ giữa Tổng thống Marcos Jr. và Phó Tổng thống Sara Duterte trở nên rạn nứt vì những khác biệt chính trị. Theo tin từ Associated Press ngày 11/05/2025, bà Sara Duterte đã kêu gọi cử tri trong một buổi vận động tranh cử tuần trước rằng “cuộc bầu cử này sẽ quyết định tương lai đất nước”, và lá phiếu của họ sẽ quyết định liệu Philippines có “tiếp tục cải cách hay tiếp tục trượt dốc đến diệt vong”.
Một nhân vật đáng chú ý khác cũng ra tranh cử Thượng viện dù đang bị giam là Apollo Quiboloy, cố vấn tinh thần và đồng minh chính trị thân cận của ông Rodrigo Duterte. Ông Quiboloy đang bị giam giữ với các cáo buộc lạm dụng tình dục và buôn người, đồng thời cũng bị truy nã tại Mỹ với các tội danh tương tự.