Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới đã tề tựu về Vatican để tham gia Mật nghị Hồng y, bầu ra vị Giáo hoàng kế nhiệm. Cuộc họp kín diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm tại Nhà nguyện Sistine và khu nhà khách Casa Santa Marta.
Phiên bỏ phiếu đầu tiên vào tối thứ Tư diễn ra không ngã ngũ, với ba ứng viên chính nổi lên: Hồng y Pietro Parolin người Ý, Hồng y Peter Erdo người Hungary và Hồng y Robert Francis Prevost người Mỹ. Giữ kín lời thề bảo mật, các Hồng y trở về nơi nghỉ ngơi, không điện thoại, và bắt đầu thảo luận.
Trong bữa tối đơn giản, họ cân nhắc các lựa chọn. Hồng y Parolin, người điều hành Vatican dưới thời Giáo hoàng Francis, dù được xem là ứng viên hàng đầu trước Mật nghị, nhưng lại không nhận được sự ủng hộ áp đảo. Phe Hồng y Ý bị chia rẽ, và một số người không hài lòng với việc ông không chú trọng các cuộc họp mang tính hợp tác mà Giáo hoàng Francis ưu tiên.
Hồng y Erdo, được khối bảo thủ ủng hộ, dường như không có đà tiến trong số các Hồng y mới được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm.
Từ đó, Hồng y Robert Francis Prevost, một ứng viên “ngựa ô” người Mỹ ít được biết đến trước đó, bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý sau phiên bỏ phiếu đầu tiên.
Với kinh nghiệm đa dạng từ một nhà truyền giáo, lãnh đạo dòng tu, Giám mục ở Peru, đến quan chức cấp cao tại Vatican, ông đáp ứng được nhiều tiêu chí mà các Hồng y mong muốn. Việc ông vừa là người Mỹ, vừa có mối liên hệ sâu sắc với Mỹ Latinh, làm hài lòng các Hồng y ở cả hai châu lục. Khi thăm dò ý kiến các Hồng y Mỹ Latinh thân cận với ông, họ đều nhận xét tích cực.
Theo tin từ The New York Times đăng trên Seattle Times ngày 11/05/2025, các Hồng y cho biết, trong bữa tối, Hồng y Prevost tránh mọi hành động vận động hay mưu tính rõ ràng. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, ông đã trở thành một ứng viên mạnh mẽ, nhanh chóng vượt lên các đối thủ.
Hồng y Pablo Virgilio Siongco David từ Philippines hài hước nhận xét: “Bạn bắt đầu thấy hướng đi và tự nhủ, ‘Ôi trời, mình không cần dùng hết số quần áo mang theo cho 5 ngày nữa rồi.’ Mọi chuyện sẽ được giải quyết rất nhanh.”
Mặc dù là Hồng y chưa đầy hai năm, Prevost không phải là người hoàn toàn xa lạ. Là cựu lãnh đạo Dòng Thánh Augustine hoạt động toàn cầu và người đứng đầu văn phòng Vatican giám sát các Giám mục trên thế giới, ông đã xây dựng được mạng lưới quan hệ và những người ủng hộ mạnh mẽ. Đặc biệt, chính Giáo hoàng Francis đã thúc đẩy sự nghiệp của ông.
Quan trọng hơn, nhiều thập kỷ làm việc tại Peru, nói tiếng Tây Ban Nha trôi chảy và lãnh đạo Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Latinh đã giúp ông có những mối quan hệ sâu sắc và mang tính quyết định tại châu lục này. Hồng y Baltazar Enrique Porras Cardozo từ Venezuela, người quen biết Prevost hàng chục năm, nói: “Hầu hết chúng tôi đều biết ông ấy. Ông ấy là một trong số chúng tôi.”
Trong các cuộc họp kín trước Mật nghị, Prevost được đánh giá là người biết lắng nghe và làm việc hiệu quả trong nhóm. Hồng y Blase J. Cupich từ Chicago, quê nhà của Prevost, bày tỏ sự ngưỡng mộ cách ông điều hành các cuộc họp, đặc biệt khi phải làm việc với những người từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau.
Vào thứ Tư, sau phiên bỏ phiếu đầu tiên không có kết quả rõ ràng, các Hồng y trở về nhà khách và bắt đầu thảo luận sâu hơn về điểm mạnh, điểm yếu của từng ứng viên. Hồng y Gerhard Ludwig Müller từ Đức, một nhà phê bình bảo thủ nổi tiếng của Giáo hoàng Francis, cho biết ông đã nói chuyện với các Hồng y Mỹ Latinh về Prevost và được biết ông là người “không gây chia rẽ”.
Không khí ủng hộ Prevost ngày càng tăng. Cuộc bầu cử dường như đang hướng về ông.
Các phiên bỏ phiếu tiếp theo vào sáng thứ Năm đã làm rõ bức tranh. Hồng y Lazarus You Heung-sik từ Hàn Quốc cho biết, trong phiên bỏ phiếu thứ tư, số phiếu đã chuyển sang Prevost một cách áp đảo.
Hồng y Joseph W. Tobin từ Newark, New Jersey, người quen biết Prevost khoảng 30 năm, kể lại khoảnh khắc khi bỏ phiếu và nhìn thấy Prevost ngồi với hai tay ôm đầu, có lẽ vì sự căng thẳng và bất ngờ.
Khi số phiếu cho Prevost đạt 89, ngưỡng đa số hai phần ba cần thiết để trở thành Giáo hoàng, cả phòng vỡ òa trong tiếng vỗ tay. Hồng y David kể: “Ông ấy vẫn ngồi! Ai đó đã phải kéo ông ấy đứng dậy. Tất cả chúng tôi đều rưng rưng nước mắt.”
Sau khi đắc cử, các Hồng y nhiệt liệt chúc mừng vị Giáo hoàng mới. Một Mật nghị ngắn ngủi và ít tranh cãi đã kết thúc. Giáo hoàng Leo XIV bước ra ban công Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, xuất hiện trước thế giới.
Hồng y Tagle, người từng được xem là ứng viên sáng giá và vài ngày trước còn được Prevost hỏi về luật Mật nghị, đã nói với vị Giáo hoàng mới: “Nếu có bất cứ điều gì ngài muốn thay đổi về luật Mật nghị – giờ tất cả nằm trong tay ngài rồi.”