Nhà Trắng vừa lên tiếng về một “thỏa thuận thương mại với Trung Quốc” sau các cuộc đàm phán cuối tuần qua tại Thụy Sĩ, nhưng điều đáng chú ý là lại không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào.
Thông tin này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer có buổi nói chuyện ngắn gọn với báo chí tại Geneva. Dù cả hai quan chức đều bày tỏ sự lạc quan và nhắc đến một “thỏa thuận” hay “deal”, họ lại giữ kín mọi thông tin chi tiết.
Ông Bessent cho biết các cuộc đàm phán “đã đạt được tiến bộ đáng kể” và diễn ra “hiệu quả”. Ông Greer thêm rằng việc đạt được thỏa thuận nhanh chóng cho thấy “sự khác biệt có lẽ không lớn như nhiều người nghĩ”. Ông cũng bày tỏ tin tưởng thỏa thuận này sẽ giúp Hoa Kỳ giải quyết tình trạng “khẩn cấp quốc gia” về thương mại mà Tổng Thống Donald Trump đã tuyên bố hồi tháng Tư.
Phía Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào về việc liệu hai bên có đạt được thỏa thuận hay không.
Theo nguồn tin NBC News, Bộ trưởng Bessent và ông Greer đã báo cáo trực tiếp với Tổng Thống Donald Trump vào thứ Bảy và Tổng Thống “đã được thông báo đầy đủ về những gì đang diễn ra”.
Trước đó, Tổng Thống Trump cũng đã thể hiện sự mong muốn đàm phán, dù Nhà Trắng khẳng định sẽ không đơn phương giảm thuế nếu không có nhượng bộ từ Trung Quốc. Tổng Thống từng nói rằng ông “nghĩ chúng ta sẽ có một cuối tuần tốt đẹp với Trung Quốc”.
Tuy nhiên, cách tiếp cận gần đây của Tổng Thống Trump, sau bài phát biểu “Ngày Giải phóng” đầy cứng rắn tháng trước, lại bị giới phân tích đánh giá là thiếu chắc chắn và nửa vời. Một số chuyên gia từ Capital Economics thậm chí cho rằng thỏa thuận sơ bộ với Anh vừa công bố là dấu hiệu cho thấy Tổng Thống Trump đang “tuyệt vọng muốn thể hiện tiến bộ về thương mại”. Họ chỉ ra rằng ngay cả thỏa thuận với Anh cũng chưa hoàn tất và cần thêm thời gian để “viết nốt các chi tiết cuối cùng”.
Sự “chưa rõ ràng” này tiếp diễn khi Tổng Thống Trump đăng trên mạng xã hội rằng việc giảm thuế nhập khẩu từ Trung Quốc từ 145% xuống 80% “có vẻ đúng”, nhưng sau đó Thư ký báo chí Nhà Trắng lại nói con số đó chỉ là điều Tổng Thống “đưa ra bâng quơ”. Bộ trưởng Bessent từng mô tả cách tiếp cận của Tổng Thống Trump là “sự bất định chiến lược”.
Về thuế quan, mức thuế của Hoa Kỳ áp lên hàng Trung Quốc đã tăng vọt lên 145% vào tháng trước sau khi Tổng Thống Trump ký sắc lệnh áp thêm 125% thuế lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cộng với mức 20% đã có từ đầu nhiệm kỳ thứ hai, nhằm đáp trả việc Trung Quốc bị cáo buộc không hành động về vấn đề fentanyl.
Trung Quốc cũng đáp trả bằng mức thuế 125% lên hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động thuế quan của chính quyền Tổng Thống Trump và tuyên bố sẽ không tăng thuế trả đũa nữa.
Một điều đáng chú ý là Trung Quốc có vẻ đã tìm cách lách mức thuế 145% này. Dữ liệu công bố hôm thứ Sáu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 8.1% so với cùng kỳ năm trước trong tháng Tư, nhờ sự tăng vọt các chuyến hàng đến các quốc gia Đông Nam Á khác. Các chuyên gia nhận định đây có thể là dấu hiệu Trung Quốc đang sử dụng chiến lược trung chuyển hàng hóa qua nước thứ ba để né thuế.
Hiện còn quá sớm để nói liệu nỗi lo thiếu hàng trên kệ ở Hoa Kỳ có thành hiện thực hay không, nhưng tập đoàn logistics Flexport báo cáo tuần trước rằng các hãng tàu trên Thái Bình Dương đang rút bớt công suất “nhanh hơn cả thời COVID” do dự đoán nhu cầu giảm sút.