Đức Giáo Hoàng Leo XIV vừa có những phát biểu đầu tiên về tầm nhìn của ngài cho Giáo hội Công giáo, trong đó nhấn mạnh Trí tuệ Nhân tạo (AI) là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà nhân loại đang đối mặt.
Ngài cũng khẳng định sẽ tiếp tục những ưu tiên cốt lõi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiền nhiệm, hướng tới một Giáo hội cởi mở hơn, lắng nghe giáo dân và quan tâm đến những người “bé mọn và bị bỏ rơi”.
Để đánh dấu một khởi đầu mang đậm dấu ấn cá nhân, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã có chuyến đi đầu tiên kể từ khi đắc cử. Ngài đến thăm một đền thờ Đức Mẹ ở phía nam Rome, nơi có ý nghĩa đặc biệt với dòng tu Augustinô của ngài và vị tiền nhiệm cùng tên, Đức Giáo Hoàng Leo XIII.
Sau khi cầu nguyện tại nhà thờ, ngài đã chào hỏi người dân thị trấn Genazzano, nơi có đền thờ Madre del Buon Consiglio (Đức Mẹ Ban Ơn Lành). Ngài ban phép lành và trở về Vatican.
Trước đó, ngài đã có buổi tiếp kiến chính thức đầu tiên với các Hồng y đã bầu chọn mình. Trong buổi nói chuyện, Đức Giáo Hoàng Leo XIV nhiều lần trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tuyên bố sứ mệnh năm 2013 của ngài, thể hiện cam kết mạnh mẽ với những cải cách của Công đồng Vatican II (những năm 1960) nhằm hiện đại hóa Giáo hội.
Là vị Giáo Hoàng đầu tiên người Mỹ, ngài xác định AI là một trong những thách thức chính của nhân loại, đặt ra vấn đề về việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động.
Vatican cũng hé lộ thêm về triều đại Giáo Hoàng mới: Đức Giáo Hoàng Leo XIV sẽ giữ nguyên khẩu hiệu và huy hiệu khi còn là Giám mục ở Chiclayo, Peru. Khẩu hiệu “In Illo uno unum” (Trong Người duy nhất, chúng ta là một) nhấn mạnh sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, còn huy hiệu là biểu tượng của dòng Augustinô: trái tim bốc cháy bị xuyên thấu và một cuốn sách (Kinh Thánh).
Chiếc thánh giá đeo ngực của ngài cũng có ý nghĩa đặc biệt, là món quà từ dòng Augustinô khi ngài được phong Hồng y năm 2023, chứa đựng thánh tích của Thánh Augustinô và mẹ ngài, Thánh Monica.
Giải thích về việc chọn tên Leo, ngài liên hệ với Đức Giáo Hoàng Leo XIII (1878-1903), người đã đặt nền móng cho học thuyết xã hội Công giáo hiện đại, đặc biệt qua thông điệp Rerum Novarum năm 1891 về quyền lợi người lao động và chủ nghĩa tư bản trong buổi bình minh của kỷ nguyên công nghiệp. Đức Giáo Hoàng Leo XIV coi những phát triển về AI hiện nay giống như một “cách mạng công nghiệp” mới, đòi hỏi Giáo hội phải đưa ra học thuyết xã hội của mình để đối phó.
Cuối triều đại của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã lên tiếng mạnh mẽ về những mối đe dọa của AI và kêu gọi một hiệp ước quốc tế để điều chỉnh lĩnh vực này.
Trong bài phát biểu bằng tiếng Ý, Đức Giáo Hoàng Leo XIV liên tục nhắc đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô và coi tuyên bố sứ mệnh “Niềm Vui Tin Mừng” năm 2013 của ngài như kim chỉ nam cho mình. Ngài nhấn mạnh bản chất truyền giáo của Giáo hội, sự cần thiết của tính đồng nghị trong lãnh đạo, lắng nghe tiếng nói của giáo dân (đặc biệt là lòng đạo đức bình dân), và đối thoại can đảm với thế giới đương đại.
Cuộc Mật nghị Hồng y vừa qua diễn ra khá nhanh chóng, chỉ sau 4 vòng bỏ phiếu, với kết quả cho thấy sự đồng thuận rất cao dành cho Đức Giáo Hoàng Leo XIV, vượt xa số phiếu cần thiết.
Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và từng được xem là một ứng viên tiềm năng, đã gửi lời chúc mừng, ca ngợi sự hiểu biết sâu sắc của Đức Giáo Hoàng Leo XIV về các vấn đề hiện nay, sự điềm tĩnh, cân bằng trong lập luận, và lòng tôn trọng, quan tâm, yêu thương mọi người.
Thông tin được tổng hợp từ ABC News.