Nước Mỹ giờ đây có hai nhân vật tầm cỡ thế giới, một là Tổng Thống Donald Trump và người còn lại là Giáo hoàng Leo XIV vừa đắc cử. Điều đáng nói là hai nhà lãnh đạo này dường như trái ngược nhau hoàn toàn về phong cách và quan điểm.
Giáo hoàng Leo XIV, tên thật là Robert Prevost, sinh ra ở Chicago, năm nay 69 tuổi. Ngài được biết đến là một người ôn hòa, khiêm tốn. Trong những lời đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng, ngài đã kêu gọi “xây dựng những cây cầu” (building bridges). Thông điệp này gợi nhớ đến cố Giáo hoàng Francis, người tiền nhiệm của ngài, người từng nhiều lần công khai chỉ trích chính quyền Tổng Thống Trump vì chủ trương “xây tường” (building walls) và các chính sách nhập cư.
Khi còn là Hồng y, ngài Prevost cũng từng bày tỏ sự không đồng tình với cả Tổng Thống Trump và Phó Tổng Thống JD Vance trên mạng xã hội. Gần đây nhất vào tháng 2, ngài đã chia sẻ một bài báo nói rằng ông Vance, một người Công giáo, đã “sai” khi cho rằng các tín đồ Thiên Chúa giáo nên ưu tiên yêu thương đồng bào hơn là người nước ngoài.
Giống như Giáo hoàng Francis, Giáo hoàng Leo XIV bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với người di cư, người nghèo và những người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ngài cũng ủng hộ việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí cấp cao trong Vatican, dù không ủng hộ việc phong chức linh mục cho nữ giới. Ngài chủ trương xây dựng một Giáo hội hòa nhập, mở rộng vòng tay với các tôn giáo và nền văn hóa khác.
Tuy nhiên, về vấn đề LGBTQ+, ngài có quan điểm khác biệt so với Giáo hoàng Francis. Năm 2012, ngài từng bày tỏ sự tiếc nuối khi các chương trình truyền hình “miêu tả một cách nhẹ nhàng và thông cảm” về các cặp đôi đồng giới, theo báo cáo của tờ The Arlington Catholic Herald lúc bấy giờ.
Việc bầu cử Giáo hoàng diễn ra trong mật nghị kín, nên lý do chính xác 133 Hồng y bỏ phiếu cho ngài Leo XIV vẫn là điều bí ẩn. Các học giả cũng có nhiều cách giải thích khác nhau về quyết định này.
Đối với Steven Millies, giáo sư thần học công chúng tại Catholic Theological Union ở Chicago, việc bầu một Giáo hoàng người Mỹ là sự bác bỏ rõ ràng chính quyền Tổng Thống Trump. Ông Millies nói với NBC News: “Các Hồng y đã chọn phe: Vị Giáo hoàng mới này sẽ đứng lên chống lại chủ nghĩa độc tài kiểu thế kỷ 21 mà chúng ta đang thấy ở Mỹ và quá nhiều nơi khác trên thế giới. Việc chọn một người Mỹ trong khi chính quyền Tổng Thống Trump đang trục xuất, ‘làm biến mất’ và gây xáo trộn đến mức đáng báo động, một lần nữa, là một thông điệp.” Ông Millies so sánh việc này với mật nghị năm 1978, khi các Hồng y chọn Giáo hoàng John Paul II người Ba Lan, “từ phía sau Bức màn sắt,” nhắm vào Liên Xô.
Tuy nhiên, những người khác lại không chắc chắn về ý định của mật nghị. Miles Pattenden, một nhà sử học về Giáo hội Công giáo tại Đại học Oxford của Anh, cho rằng: “Hoặc họ chọn một người Mỹ vì nghĩ rằng điều đó gửi đi thông điệp rằng ngài sẽ đứng lên chống lại Tổng Thống Donald Trump và đưa ra một tầm nhìn khác về vai trò lãnh đạo của Mỹ, hoặc họ chọn ngài mặc dù ngài là người Mỹ.” Ông nói thêm, sẽ là “khá giật gân” nếu họ chọn ngài chỉ vì ngài là người Mỹ và có thể đối đầu với Tổng Thống Trump, bởi nhiệm kỳ của Tổng Thống chỉ là tạm thời so với cả cuộc đời của một Giáo hoàng tiềm năng.
Dù lý do của các Hồng y là gì, họ đã bầu ra một vị Giáo hoàng có tính cách hoàn toàn khác biệt với phong thái thẳng thắn, đôi khi bị xem là cộc cằn của Tổng Thống Trump. Giám mục Robert Barron của Giáo phận Winona-Rochester, Minnesota, mô tả Giáo hoàng Leo là “một người tự tin một cách thầm lặng, không phải là một nhân vật phô trương” trên chương trình “Nightly News” của NBC. Đây là những phẩm chất mà ít người, kể cả những người ủng hộ Tổng Thống Trump cuồng nhiệt nhất, sẽ gán cho Tổng Thống.
Ngay cả cái tên Leo XIV cũng có thể gợi ý rằng ngài sẽ đối lập với thế giới quan của Tổng Thống Trump. Vị Giáo hoàng cuối cùng mang tên này là Giáo hoàng Leo XIII, người trong 25 năm trị vì (1878-1903) đã ủng hộ công bằng xã hội và quyền lợi người lao động trước những lực lượng tư bản mới nổi.
“Giáo hoàng sẽ không đồng ý với bất cứ điều gì Tổng Thống Trump đang nói,” ông Bill Ciotti, 63 tuổi, từ Boston, người từng phụ trách kế hoạch phụng vụ tại nhà thờ của mình trước khi nghỉ hưu, nhận định. Ông Ciotti đang ở Rome và đã chạy đến Quảng trường Thánh Phêrô khi thấy khói trắng bốc lên. Ông nói hôm thứ Sáu: “Ngài đã chỉ trích Tổng Thống Trump và ông Vance rồi, nên tôi nghĩ đây sẽ là một cuộc đối đầu lớn.”
Về mặt chính trị, Giáo hoàng Leo “sẽ không quá tả và cũng không quá hữu,” anh trai ngài, John Prevost, nói trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press. Tuy nhiên, ngài được nhiều người xem là sẽ tiếp tục chương trình mà Giáo hoàng Francis đã khởi xướng, điều mà nhiều người Công giáo bảo thủ ở Mỹ không hài lòng.
Cựu cố vấn của Tổng Thống Trump, Steve Bannon, một người Công giáo phản đối mạnh mẽ quan điểm của Giáo hoàng Francis, từng nói trước khi ngài Leo được bầu: “Tôi nghĩ một trong những ứng cử viên ‘ngựa ô’, và không may là một trong những người tiến bộ nhất, là Hồng y Prevost. Tôi nghĩ điều đó khá sốc với thái độ khinh thường mà họ dành cho Giáo hội Mỹ.” Ông nói thêm: “Theo tôi hiểu, Hồng y Prevost là một trong những người gần gũi nhất với Giáo hoàng Francis về mặt tư tưởng.”
Cuối cùng, cả tín đồ và người không theo đạo đều sẽ phải chờ xem kỷ nguyên Tổng Thống Trump – Giáo hoàng Leo sẽ diễn ra như thế nào. “Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của những điều bất ngờ,” Cesar Jaramillo, 35 tuổi, một luật sư giáo luật từ Paterson, New Jersey, người đã sống ở Rome tám năm, nói. “Sự tiên liệu mà Chúa Thánh Thần đã thể hiện khi cho phép ngài Leo có cơ hội lãnh đạo trong một thời kỳ đầy biến động, đó là một dấu hiệu tốt.”
Theo NBC News.