Tổng thống Donald Trump tuần này bất ngờ thông báo Mỹ sẽ tạm dừng các chiến dịch không kích nhằm vào nhóm Houthi ở Yemen, sau nhiều tuần tấn công dồn dập. Ông Trump tuyên bố từ Phòng Bầu dục rằng nhóm Houthi “chỉ đơn giản là không muốn chiến đấu nữa… và chúng tôi sẽ tôn trọng điều đó. Chúng tôi sẽ dừng các cuộc ném bom.”
Khi được hỏi về nguồn tin xác nhận từ mạng lưới khủng bố này, ông Trump chỉ cười và nói rằng đó là từ một “nguồn rất tốt”. Chưa đầy hai giờ sau, Bộ trưởng Ngoại giao Oman, Badr bin Hamad Al Busaidi, đã đăng trên X (trước đây là Twitter) xác nhận rằng sau các cuộc thảo luận do Oman tiến hành với Mỹ và các bên liên quan ở Sana’a (Yemen), đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa hai phía.
Theo đó, trong tương lai, cả hai bên sẽ không tấn công lẫn nhau, bao gồm cả tàu thuyền của Mỹ ở Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab, nhằm đảm bảo tự do hàng hải và luồng vận chuyển thương mại quốc tế diễn ra suôn sẻ. Điều này cho thấy Oman, quốc gia từng đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran, đã tham gia sâu vào việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn lần này.
Tuy nhiên, theo tin từ Fox News ngày 8/5/2025, một báo cáo mới được công bố trước thông báo bất ngờ của Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng chính quyền Mỹ cần hết sức cảnh giác trước những mối đe dọa an ninh lớn từ Houthi và các bên quốc tế hỗ trợ mạng lưới khủng bố này.
Báo cáo mang tên “Thách thức Houthi: Xây dựng chiến lược đánh bại nhóm khủng bố do Iran hậu thuẫn ở Yemen” của Ari Heistein từ Tổ chức Bảo vệ Dân chủ (FDD) và Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, nhấn mạnh rằng không chỉ Iran giúp Houthi nâng cao năng lực hoạt động. Iran đã hậu thuẫn Houthi ít nhất từ năm 2014 (thậm chí có thể từ năm 2009) thông qua huấn luyện và cung cấp vũ khí tiên tiến như tên lửa đạn đạo.
Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra vai trò của Oman khi cho phép nhóm này hoạt động từ lãnh thổ của mình và đóng vai trò là tuyến đường buôn lậu vũ khí quan trọng từ Iran. Vũ khí được tuồn vào Yemen qua cảng Hodeidah (nơi Israel gần đây đã không kích) nhưng cũng qua các cảng nhỏ hơn hoặc đường bộ qua Oman. Các tổ chức ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân của Oman cũng được cho là đang “phục vụ nền kinh tế Houthi và thậm chí cung cấp vũ khí cho nhóm này”.
Jonathan Schanzer, cựu chuyên gia phân tích tài chính khủng bố tại Bộ Tài chính Mỹ và hiện là Giám đốc điều hành FDD, gọi vai trò trung gian của Oman trong đàm phán giữa Washington và các đối thủ ở Trung Đông là “thái quá”. Ông cho rằng việc coi Oman là trung gian có trách nhiệm trong khi họ lại đang chứa chấp chính nhóm mà Mỹ đang tìm cách giải tán là điều “rất ít logic”. Báo cáo kết luận rằng cần có thêm áp lực từ cộng đồng quốc tế lên Muscat để giải quyết vấn đề tài chính hỗ trợ khủng bố đã tồn tại quá lâu.
Báo cáo cũng phân tích các bước cần thiết để làm suy yếu và chống lại Houthi một cách hiệu quả, bởi các cuộc tấn công quân sự lặp đi lặp lại (ban đầu là Saudi Arabia từ năm 2015, gần đây là Mỹ và Israel) vẫn chưa làm suy giảm đáng kể sức mạnh của nhóm khủng bố này. Các bước này bao gồm tiếp tục hành động quân sự (như các cuộc tấn công gần đây của Israel vào cảng Hodeidah và sân bay quốc tế Sana’a), nhưng chỉ quân sự là không đủ. Cần kết hợp các chiến lược kinh tế, ngoại giao và quyền lực mềm khác để làm suy yếu nhóm.
Một điểm quan trọng khác được báo cáo nêu bật là Houthi đã lợi dụng các khoảng thời gian tạm lắng giao tranh với các quốc gia như Saudi Arabia, Mỹ và Israel trước đây để tập hợp lại và củng cố lực lượng. Chuyên gia Heistein cảnh báo rằng việc buộc Houthi ngừng tấn công tàu thuyền chỉ là một thành tựu có ý nghĩa nếu nó là một phần của chiến lược dài hạn, toàn diện hơn. Nếu thỏa thuận ngừng bắn ở Biển Đỏ trở thành trọng tâm và điểm kết thúc chính sách của Mỹ đối với Houthi, điều này có nguy cơ trao quyền cho một chế độ ngày càng nguy hiểm được phép leo thang và giảm leo thang tùy ý.
Nếu không có một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết mối đe dọa Houthi, Mỹ và các đồng minh có thể sớm phải đối mặt với một nhóm khủng bố nguy hiểm hơn, được trang bị tốt hơn.