Theo ABC News, một tổ chức giám sát truyền thông quốc tế cảnh báo rằng tự do báo chí ở Serbia đang ở trong tình trạng “nguy kịch”. Các cuộc tấn công và đe dọa nhắm vào nhà báo gia tăng trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra.
Jasmijn de Zeeuw, đại diện Free Press Unlimited, cho biết: “Chúng tôi đến đây vì nhận thấy một cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với giới truyền thông ở Serbia”. Bà kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) có phản ứng.
Serbia đang chính thức tìm cách gia nhập EU, nhưng Tổng thống Aleksandar Vucic bị cáo buộc đàn áp các quyền tự do dân chủ, bao gồm cả tự do báo chí.
De Zeeuw cho biết các vụ tấn công nhà báo ở Serbia đã tăng gấp đôi so với năm trước. 56 vụ việc xảy ra liên quan đến việc đưa tin về vụ tai nạn tàu hỏa ngày 1/11 ở phía bắc Serbia làm 16 người thiệt mạng và các cuộc biểu tình sau đó.
“Các trường hợp chúng tôi ghi nhận bao gồm tấn công thân thể, đe dọa, bao gồm cả đe dọa giết người nghiêm trọng, các chiến dịch bôi nhọ trực tuyến, đột kích văn phòng mà không có lệnh khám xét và chặn nhà báo và phương tiện truyền thông”, bà nói.
Tuần trước, tổ chức Phóng viên Không biên giới cũng đưa ra nhận định tương tự: “Báo chí Serbia đang bị đàn áp một cách có hệ thống nhưng các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu vẫn rơi vào trạng thái không hành động đáng trách”.
Jamie Wiseman, một cán bộ vận động của Viện Báo chí Quốc tế, cho biết Serbia nằm trong số các quốc gia ở châu Âu có số lượng sử dụng phần mềm gián điệp chống lại nhà báo được xác nhận cao nhất. Các nhà báo phải đối mặt với các vụ kiện pháp lý ngày càng tăng do các quan chức cấp cao và nhân vật của công chúng đệ đơn.
Chính phủ của Vucic đã tăng cường áp lực nhằm dập tắt các cuộc biểu tình. Ông gọi sinh viên đại học biểu tình là “khủng bố”, trong khi truyền thông Serbia đưa tin ít nhất hai công dân nước ngoài đã bị yêu cầu rời khỏi đất nước vì ủng hộ biểu tình.
David Diaz-Jogeix, giám đốc cấp cao của các chương trình tại tổ chức Article 19, tổ chức vận động cho tự do ngôn luận, cho biết các khuyến nghị của MFRR bao gồm yêu cầu EU đóng băng đối thoại gia nhập với Serbia và đưa ra lời lên án công khai về các cuộc tấn công và đe dọa đối với nhà báo.
Diaz-Jogeix kêu gọi “chính quyền Serbia, đặc biệt chúng tôi kêu gọi Tổng thống Serbia, chấm dứt mọi cuộc tấn công công khai vào nhà báo và phương tiện truyền thông, kể cả những người đưa tin về các cuộc biểu tình”. Ông nói thêm, EU “cần phải lên tiếng”.
“Họ không thể làm như bình thường”, Diaz-Jogeix cảnh báo.