Tổng thống Donald Trump vừa cho biết sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Syria và tiến tới bình thường hóa quan hệ với chính phủ mới tại quốc gia Trung Đông này, nhằm tạo cơ hội cho Syria “có được hòa bình”.
Theo kế hoạch, Tổng thống Trump sẽ gặp Tổng thống Syria Ahmad al-Sharaa vào thứ Tư tại Saudi Arabia. Ông Trump nói rằng nỗ lực xích lại gần nhau này được thực hiện theo đề nghị của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Phát biểu về Syria, Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng chính phủ mới sẽ thành công và gửi lời chúc “chúc may mắn, Syria. Hãy cho chúng tôi thấy điều gì đó đặc biệt.”
Động thái này là một sự thúc đẩy lớn cho Tổng thống Syria al-Sharaa, người từng bị giam giữ ở Iraq vì vai trò trong cuộc nổi dậy sau cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu năm 2003. Ông al-Sharaa nhậm chức Tổng thống Syria vào tháng 1, một tháng sau cuộc tấn công chớp nhoáng của các nhóm nổi dậy do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) của ông dẫn đầu, đánh chiếm Damascus và chấm dứt 54 năm cai trị của gia đình Assad.
Hoa Kỳ đã cân nhắc cách ứng xử với ông al-Sharaa kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 12. Các nhà lãnh đạo vùng Vịnh đã ủng hộ chính phủ mới ở Damascus và mong muốn Tổng thống Trump làm theo, tin rằng đây là bức tường thành chống lại ảnh hưởng trở lại của Iran tại Syria, nơi Iran từng giúp đỡ chính phủ Assad trong cuộc nội chiến kéo dài một thập kỷ.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã để lại quyết định này cho Tổng thống Trump, và chính quyền hiện tại vẫn chưa chính thức công nhận chính phủ mới của Syria. Các lệnh trừng phạt áp đặt lên Damascus dưới thời Assad cũng vẫn còn hiệu lực.
Bình luận của Tổng thống Trump đánh dấu sự thay đổi đáng kể về giọng điệu và khiến ông bất đồng với đồng minh lâu năm của Mỹ là Israel, quốc gia vốn rất hoài nghi về quá khứ cực đoan của ông Al-Sharaa và cảnh báo không nên vội vàng công nhận chính phủ mới.
Trước đây được biết đến với biệt danh Abu Mohammed al-Golani, ông al-Sharaa đã gia nhập hàng ngũ phiến quân al-Qaida chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ ở Iraq sau cuộc xâm lược năm 2003 và vẫn đang đối mặt với lệnh truy nã về tội khủng bố ở Iraq.
Ông al-Sharaa, người mà Mỹ từng treo thưởng 10 triệu USD cho thông tin về nơi ở của ông vì liên hệ với al-Qaida, đã trở về quê nhà sau khi cuộc xung đột bắt đầu vào năm 2011, nơi ông lãnh đạo nhánh al-Qaida từng được gọi là Mặt trận Nusra. Sau đó, ông đổi tên nhóm thành Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và cắt đứt liên hệ với al-Qaida.
Ông al-Sharaa dự kiến sẽ trở thành nhà lãnh đạo Syria đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ kể từ khi cố Tổng thống Hafez Assad gặp Tổng thống Bill Clinton tại Geneva vào năm 2000.
Theo tin từ Associated Press, Syria trong lịch sử có mối quan hệ căng thẳng với Washington kể từ thời Chiến tranh Lạnh khi Damascus có quan hệ chặt chẽ với Liên Xô và sau đó là đồng minh thân cận nhất của Iran trong thế giới Ả Rập. Việc gia đình Assad bị lật đổ có thể thay đổi hướng đi này.
Một nhà phân tích người Syria tại London nhận định cuộc gặp Syria-Mỹ tại Riyadh mở ra cánh cửa để hai bên bắt đầu thảo luận các vấn đề bất đồng trong bầu không khí đối thoại. Điều này rất quan trọng, đặc biệt khi Iran buộc phải rời đi và Nga, quốc gia cũng từng ủng hộ Assad và hiện đang cho ông ta tị nạn, đã suy yếu.